Những điều cần biết khi trẻ biếng ăn
Một vấn đề thường làm các bà mẹ quan tâm và lo lắng là thấy con mình đang ăn chơi bình thường bỗng nhiên trở nên lơ là, không hứng thú khi ăn hoặc ít chơi lại.
Lúc này mẹ nên để ý theo dõi xem bé có bị sốt, ho, sổ mũi, phát ban, tiêu chảy hoặc táo bón không? Nếu thấy sức khỏe chung của bé vẫn bình thường, thì việc tự nhiên trẻ ăn kém trong 1 - 2 tuần được gọi là biếng ăn sinh lý.
Hiện tượng này thường xảy ra ở lứa tuổi nhỏ, khi bé được khoảng 3 - 4 tháng, 9 - 10 tháng và 16 - 18 tháng. Đây là những thời điểm trẻ có những biến chuyển về tâm sinh lý trong cơ thể như tập lật, tập đứng, tập đi, tập chạy.... Ở giai đoạn này, bé thường quan tâm đến những thứ xung quanh hơn, thích những gì mới lạ, mải mê tự khám phá khả năng cơ thể mình, nên thờ ơ hơn với việc ăn uống.
Nếu gặp những giai đoạn này, bạn cứ bình tĩnh theo dõi bé xem có phải đây là biếng ăn hay không (không bệnh, vẫn chơi…dù ăn ít). Có thể cho bé ăn từng chút một với nhiều món ăn trong mỗi bữa (ví dụ ăn vài muống bột rồi một ít sữa chua, một chút trái cây rồi vài chục ml sữa). Nếu bé ăn ít trong mỗi bữa thì cho ăn thành nhiều bữa trong ngày, các bữa ăn gần nhau hơn để gần đạt được số lượng nhu cầu. Lựa chọn những thức ăn bé yêu thích, dễ nuốt, lạ miệng…là cần thiết trong lúc này. Dù có nhiều cố gắng, bạn vẫn phải chấp nhận chuyện bé khó ăn, ăn ít hơn mọi ngày vì đây là điều tất yếu. Không nên ép bé ăn quá mức có thể làm bé sợ hãi bữa ăn và trở thành biếng ăn tâm lý rất có hại sau này.
Có 3 loại biếng ăn:
1. Biếng ăn sinh lý
2. Biếng ăn tâm lý
3. Biếng ăn bệnh lý
Để phân biệt tình trạng trẻ biếng ăn do đâu, các bà mẹ nên bình tĩnh quan sát xem bé có vấn đề gì về sức khỏe hay không. Nếu ngoài việc biếng ăn ra, trẻ vẫn chơi ngoan và sinh hoạt bình thường thì không nên quá lo lắng. Để khắc phục tình trạng biếng ăn sinh lý của con trẻ, các mẹ cần lưu ý một số vấn đề sau:
- Cho trẻ ăn tăng số bữa trong ngày, số lượng mỗi bữa giảm đi một chút để vẫn đảm bảo lượng dinh dưỡng
- Thức ăn nên đa dạng về thực phẩm và cách chế biến, chọn món dễ ăn và lạ miệng
- Cho ăn xen kẽ các món khác nhau, mỗi thứ một ít để bé cảm thấy lạ miệng và ăn ngon hơn.
- Luôn tập trung vào bữa ăn, không xem ti vi, quảng cáo....là những thứ khiến trẻ không thích thú với món ăn và bữa ăn.
- Chấp nhận tình trạng bé biếng ăn tạm thời. Không nên ép ăn quá mức khiến bé sợ ăn và mắc chứng biếng ăn tâm lý rất khó khắc phục.
Các bài khác
- Chuyện cho bé uống nước (09.08.2024)
- Dinh dưỡng theo từng độ tuổi (09.08.2024)
- Thực đơn Tuần 3 - Tháng 11/2024 (11.01.2016)