Chuyện cho bé uống nước

 

Rất nhiều người tranh cãi với nhau về chuyện: nên hay không nên cho bé uống nước.

Số đông "mẹ bỉm sữa thông thái" (Gen Z) thường theo "trào lưu hiện đại" là không cho con uống nước, thậm chí là suốt...2 năm!

Những người thuộc thế hệ trước (Gen X) thì lại chủ trương phải bổ sung đủ nước cho con.

Vậy thì nên theo ai? Đâu là cách hiểu và cách thực hành đúng chuyện cho con uống nước?

Tốt nhất là nghe theo lời khuyên của các Bác sĩ và tổ chức có uy tín như WHO


Trẻ sơ sinh bú mẹ hoàn toàn dưới 6 tháng tuổi không cần bổ sung thêm nước.

Tuy nhiên, nếu bé đang được cho uống sữa công thức vì mẹ không có đủ sữa, thỉnh thoảng bạn nên cho bé uống thêm một ít nước

Theo khuyến cáo của WHO thì cha mẹ nên bổ sung nước cho trẻ vào những thời điểm sau:

 

  • Giai đoạn trẻ bắt đầu ăn dặm (từ 6 tháng tuổi trở đi) có thể khiến trẻ dễ bị táo bón. Thời gian này hãy cho bé uống nước nhưng vẫn chỉ là bổ sung chứ không được thay thế sữa mẹ. Trẻ nên được uống sữa mẹ trong tối đa 24 tháng để đảm bảo có đủ dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển sau này;

 

  • Ở những trẻ uống sữa công thức vì không có đủ sữa mẹ thì đôi khi nên cho bé uống thêm một ít nước. Bởi vì trong loại sữa này thường chứa một chút muối, nếu bạn bổ sung nước cho bé sẽ giúp quá trình bài tiết diễn ra dễ dàng hơn. Ngoài ra, trẻ uống sữa công thức sẽ lâu hấp thụ hơn sữa mẹ nên nhu cầu uống thêm nước đối với những trẻ này là điều cần thiết;

 

  • Trong trường hợp trẻ bị sốt, táo bón hoặc mất nước vì thời tiết nóng thì bạn có thể cho bé uống một chút nước lọc đun sôi để nguội. Tuy nhiên đối với trẻ dưới 6 tháng tuổi chưa ăn dặm thì cha mẹ nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi cho bé uống nước nhé!

 


 

Bổ sung nước cho trẻ trong giai đoạn ăn dặm

Khi bé được 4 - 6 tháng tuổi, cha mẹ có thể cho bé uống vài ngụm nước mỗi ngày (không được uống quá 4 muỗng). Ngoài 6 tháng tuổi và khi trẻ lớn hơn thì bạn có thể tăng dần lượng nước, đặc biệt có thể cho bé uống nước canh và nước hoa quả trong chế độ ăn hàng ngày.

 

4 lý do mẹ nên cho bé uống nước sau khi ăn dặm:

1. Uống nước giúp làm sạch khoang miệng bé sau ăn

Sau mỗi bữa ăn dặm, khoang miệng của bé sẽ còn sót lại các mảnh vụn thức ăn tạo môi trường cho vi khuẩn phát triển và gây hôi miệng, sâu răng. Khi mẹ cho bé uống nước, dòng chảy của nước đi vào khoang miệng bé sẽ làm trôi đi các mảnh vụn thức ăn đến dạ dày, làm sạch khoang miệng cho con.

Hơn nữa điều này còn giúp loại bỏ điều kiện thuận lợi cho vi sinh vật có hại phát triển, đặc biệt là nấm Candida albicans – nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng tưa lưỡi (nấm lưỡi) ở bé. Do đó, làm sạch khoang miệng cho bé sau ăn dặm cực kỳ quan trọng.

 

2. Tốt cho vị giác của bé

Uống một chút nước sau khi ăn dặm sẽ giúp sạch miệng bé, giúp bé không còn vị thức ăn cũ đọng lại trên miệng gây tanh miệng. Như vậy lần sau bé sẽ cảm nhận được vị thức ăn tốt hơn, ăn thấy ngon miệng hơn.

 

3. Giảm nôn trớ sau khi ăn dặm

Nôn trớ sau ăn là tình trạng thường gặp ở bé sơ sinh trong thời gian đầu tập ăn dặm. Bởi dạ dày của bé nằm ngang và cơ vòng nối giữa dạ dày và thực quản chưa hoàn thiện, thức ăn dễ dàng đi ngược từ dạ dày lên thực quản rồi nôn trớ ra ngoài. 

Uống nước sau khi ăn giúp làm sạch thực quản, đẩy phần thức ăn đang ở thực quản xuống dạ dày, từ đó cắt cơn buồn nôn giúp bé giảm nôn trớ sau ăn dặm.

 

4. Ngăn táo bón

Khi chuyển từ hoàn toàn bú sữa mẹ sang ăn dặm, bé có thể bị táo bón do hệ tiêu hoá chưa thích nghi với việc tiêu hoá các thức ăn đặc hơn sữa mẹ hoặc chế độ ăn dặm quá nhiều protein và chất béo, ít chất xơ cũng sẽ dẫn đến táo bón.

Sau khi ăn dặm, mẹ cho bé uống một chút nước làm loãng khối thức ăn ở dạ dày đổ xuống ruột, bé dễ dàng tiêu hoá. Phân của bé nhiều nước hơn cũng sẽ mềm hơn, bé dễ đi vệ sinh, hạn chế tình trạng táo bón.