Dạy con - Dạy con cách tiêu tiền

Dạy con cách tiêu tiền từ tuổi lên 3

Hãy chuẩn bị 4 chiếc bình và dạy bé cách phân bổ tiền thành 4 nhóm. Bình 1 giữ tiền để làm từ thiện. Bình 2 đựng tiền tiêu vặt. Bình 3 tiết kiệm cho kế hoạch nhỏ như mua đồ chơi. Bình 4 chứa ước mơ dài hạn như mai sau vào đại học...

 

Chuyên gia tài chính gia đình và trẻ em Neale S.Godfrey (Mỹ) cho rằng cha mẹ nên dạy trẻ quản lý tiền bạc và cho tiền tiêu vặt bắt đầu ngay từ tuổi lên ba. Bà khuyến khích phụ huynh hãy hướng con theo tư duy "làm mới có tiền". Nhiều cha mẹ quan niệm trẻ nhỏ đã có người lớn lo lắng nên mọi việc chi tiêu liên quan đến đồng tiền thì con nít không nên tiếp xúc, không cần tìm hiểu. Bao giờ đủ lớn để nhận thức và biết cách chi tiêu, trẻ được dạy cách tiêu tiền chưa muộn. Tư duy này không phải là cách dạy con làm quen với tiền đúng. 

 

Tại hội thảo “Giáo dục con trẻ về tài chính” diễn ra chiều 18/5 ở TP HCM, bà Neale S.Godfrey, Giám đốc điều hành ngân hàng dành cho trẻ em đầu tiên trên thế giới (The First Children’s Bank-Mỹ) cho rằng, lứa tuổi lên ba, các bé đã có thể nhận thức được những điều mình mong muốn, và đây là thời điểm thích hợp để cho các cháu làm quen với tiền.

 

Theo bà, trước hết bố mẹ hãy giúp trẻ hiểu được phương thức "làm thì mới được trả công". Điều này có nghĩa là phụ huynh sẽ phân ra hai loại công việc giao cho trẻ. Một loại là việc mà con phải tự làm và không được nhận tiền như đánh răng, ăn uống, học giỏi… bởi đây là các hoạt động liên quan trực tiếp tới cá nhân cháu bắt buộc phải tự làm.

 

Loại việc bố mẹ sẽ trả tiền cho con như giao các cháu tưới cây, cho thú ăn, dọn dẹp phòng... nhằm khuyến khích tinh thần lao động và trách nhiệm của chúng với đồng tiền. Số tiền mà cha mẹ cho nên căn cứ vào số tuổi, chẳng hạn trẻ 3 tuổi thì mỗi lần hoàn thành tốt công việc được giao thì cho chúng 3.000 đồng, với trẻ 5 tuổi sẽ là 5.000 đồng...

 

Khi đã cho các con tiền thì bố mẹ sẽ tiến hành bước tiếp theo là giúp các cháu lập ngân sách một cách hợp lý. Để thực hiện việc này, bà Neale S.Godfrey giới thiệu mô hình “4 chiếc bình”.

 

Theo đó, bà khuyên bố mẹ chuẩn bị cho trẻ 4 chiếc bình để chia tiền ra, sau đó dạy cho con cách phân bổ tiền. Bình 1 đựng tiền dành cho các hoạt động từ thiện. Bình 2 dành tiền để trẻ chi tiêu cho những nhu cầu hằng ngày như: mua bánh, kẹo, đồ ăn sáng… (dưới sự giám sát của gia đình). Bình 3 dùng cho tiền tiết kiệm trung hạn, tiền trong bình này trẻ chỉ được dùng để mua các vật dụng mà chúng đã có kế hoạch mua từ trước như đồ chơi... Bình 4 là tiền tiết kiệm dài hạn, trẻ dùng cho việc thực hiện các ước mơ sau này của mình như vào đại học, mở một cửa hàng nhỏ, đi du lịch xa… 

 

Tiền trong 4 chiếc bình sẽ được bỏ vào từ các khoản thu của trẻ (tiền tiêu vặt hằng tuần, tiền được tặng, được thưởng, tiền từ công việc làm thêm…) với tỷ lệ phân chia như sau: Bình 1 chiếm 10% số tiền; 3 bình còn lại chiếm 30% số tiền. 

 

Từ kinh nghiệm bản thân, bà không bao giờ muốn các con hiểu rằng yêu chúng là cho thứ này thứ nọ một cách vô điều kiện. "Tôi nói với các con rằng tôi yêu chúng đơn giản là vì tôi yêu chúng, còn trách nhiệm quan trọng nhất của cha mẹ là cho con chỗ ăn ở. Ngoài ra, điều trẻ cần nhất ở cha mẹ là thời gian chứ không phải việc đáp ứng mọi yêu cầu về tiền bạc", bà nói. 

 

Theo bà Neale S.Godfrey, hiện nay nhiều phụ nữ bận làm việc nên luôn muốn cho con em những thứ mà bạn bè chúng có. "Đừng vì bù đắp việc thiếu hụt thời gian mà cho con quà cáp, tiền bạc một cách vô điều kiện và không kiểm soát. Đây là điều rất xấu với con cái", bà Neale nhấn mạnh. 

 

Chị Hải, một phụ huynh đang có con nhỏ ở tuổi  lên 6 cho biết, hàng ngày, chị cũng hay dạy con tiết kiệm tiền ngay từ lúc cháu bắt đầu đi mẫu giáo bằng việc tắt điện khi không còn dùng, tập con bỏ tiền vào heo đất. "Khi trường hoặc gia đình tham gia các chương trình từ thiện thì lấy một phần tiền trong heo của cháu ra đóng góp nhằm giúp bé ý thức được bài học về lòng nhân ái và cũng là dạy cháu làm chủ tài chính của bản thân mình", chị nói.

 

Chị Thanh Loan, một phụ huynh đến từ quận 3 cũng cho rằng, không nhất thiết cấm đoán việc trẻ xin tiền để mua một món đồ hợp lý. Điều quan trọng là hướng dẫn con  ý thức được cách tiết kiệm và chi tiêu hợp lý.

 

Ông Phạm Ngọc Thanh, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM nhìn nhận,  việc giáo dục kỹ năng quản lý tài chính cho trẻ ngay từ khi còn nhỏ là rất cần thiết. Việc này có tác động lớn đến những quyết định tài chính đúng đắn trong tương lai của các em. "Trong thời gian tới, có thể chúng tôi sẽ triển khai chương trình cho học sinh lớp một tiếp xúc với tiền và biết cách tiêu tiền như thế nào. Lứa tuổi này các em đã có thể nhận thức được sự việc khá rõ ràng", ông thông  tin.

 

Bà Quách Thu Nguyệt, đại điện Công ty Sách Dân Trí cũng nhấn mạnh, giáo dục kỹ năng tài chính cho trẻ em là một trong những vấn đề được xã hội quan tâm đặc biệt trong thời gian qua. Dạy trẻ tiêu tiền là giúp trẻ tự kiểm soát và biết cách thỏa mãn đúng mực những ham muốn của bản thân, qua đó nâng cao khả năng sống tự lập. Ở Việt Nam, vấn đề này còn khá mới mẻ. Do đó, kỹ năng tài chính cho trẻ cần được phổ cập rộng rãi ngay từ khi các em còn nhỏ.

Lệ Chi

(Trích từ Vn Express)